top of page

Công bố 14 doanh nghiệp khởi nghiệp và 13 nhóm học sinh, sinh viên gia chương trình tăng tốc khởi nghiệp về hiệu quả năng lượng thuộc dự án AIS4EE

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2024 – Dự án “Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng” (AIS4EE) do EU tài trợ chính thức giới thiệu 14 doanh nghiệp khởi nghiệp và 13 nhóm học sinh, sinh viên được chọn tham gia chương trình tăng tốc khởi nghiệp. Các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhóm học sinh, sinh viên lọt vào vòng chung kết đã vượt qua vòng đánh giá sơ khảo các giải pháp sáng tạo về hiệu quả năng lượng trong các ngành công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải, phù hợp với bối cảnh thị trường Việt Nam.

Ông Nguyễn Bách Việt - CEO của Veep chia sẻ về giải pháp của công ty.

Từ khi ra mắt vào tháng 8, chương trình tăng tốc thuộc dự án AIS4EE đã nhận được hơn 160 đơn đăng ký từ hơn 20 quốc gia, cho thấy sự quan tâm từ cả trong và ngoài nước cũng như tiềm năng sáng tạo của các giải pháp về hiệu quả năng lượng cho các ngành công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải ở Việt Nam. Trong số 14 doanh nghiệp khởi nghiệp được chọn, phần lớn đến từ Việt Nam, ngoài ra có 02 doanh nghiệp đến từ Thái Lan, 01 doanh nghiệp đến từ Singapore và 01 doanh nghiệp có đồng sáng lập đến từ Việt Nam và Hàn Quốc.


Phát biểu khai mạc lễ khởi động chương trình tăng tốc khởi nghiệp được tổ chức vào ngày 11 tháng 11 năm 2024, bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, nhấn mạnh rằng các hồ sơ tham dự hầu hết là các ý tưởng, mô hình kinh doanh đã đáp ứng mục tiêu, phạm vi của cuộc thi là cung cấp, phổ biến các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong 3 lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và giao thông tại Việt Nam. Đáng chú ý, chương trình đã thu hút sự quan tâm của quốc tế, nhận được đề xuất và ý tưởng kinh doanh đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Úc. Bà Giang đánh giá cao sự tham gia của các doanh nghiệp, và nhóm học sinh, sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới, cho cho thấy khởi nghiệp trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng thực sự có tiềm năng và cần được quan tâm, thúc đẩy nhiều hơn nữa.

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc

Bà Kristina Buende, Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam, cho biết: "Dự án AIS4EE và việc khởi động chương trình tăng tốc ngày hôm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng về những nỗ lực chung của EU, Bộ Công Thương và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu, cùng với Touchstone để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng, là bước đệm góp phần thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững tại Việt Nam. EU sẵn sàng hành động với vai trò là nhân tố chủ chốt trong nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu và thực hiện Thỏa thuận Paris. Để đạt được mục tiêu này, EU sẽ tận dụng các công cụ sẵn có, bao gồm hỗ trợ ngân sách, đối thoại chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và hỗ trợ đầu tư, đặc biệt từ Quỹ cho Tăng trưởng bền vững Châu Âu mở rộng."

Bà Kristina Buende, Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phát biểu khai mạc

Phát biểu tại buổi lễ, ông Juhern Kim, Trưởng Đại diện Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) tại Việt Nam, cho biết: "Dù thuộc các lĩnh vực khác nhau, các giải pháp hiệu quả năng lượng đến từ các doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhóm học sinh, sinh viên tham gia chương trình, đều hướng đến một mục tiêu chung. Việc hợp tác đa bên nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp về hiệu quả năng lượng có thể mang lại những kết quả thiết thực, đóng góp vào hành trình thực hiện mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam.” Ông Kim bày tỏ mong muốn đồng hành cùng với các đối tác cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sải những bước tiến trên hành trình này, không chỉ trong chương trình tăng tốc mà còn xa hơn trong tương lai.


Trong khuôn khổ chương trình tăng tốc khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhóm học sinh, sinh viên sẽ tham gia khóa đào tạo kéo dài 9 tuần, với nội dung huấn luyện và cố vấn đa dạng từ các chuyên gia trong ngành, nổi bật là các công nghệ tiên tiến về hiệu quả năng lượng, chiến lược kinh doanh và xu hướng thị trường. Đội ngũ cố vấn gồm các nhà sáng lập và quản lý cấp cao từ các doanh nghiệp khởi nghiệp và quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.

Ông Juhern Kim, Trưởng Đại diện Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) tại Việt Nam

Danh sách 14 doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia chương trình gồm 8 doanh nghiệp cung cấp giải pháp cho lĩnh vực xây dựng, 4 doanh nghiệp về công nghiệp và 2 doanh nghiệp về lĩnh vực giao thông vận tải. Các giải pháp đa dạng bao gồm hệ thống quản lý năng lượng, mô phỏng tiêu thụ năng lượng tòa nhà, tối ưu sạc xe điện, nâng cao hiệu suất pin lưu trữ, công nghệ lọc nước tiết kiệm năng lượng, v.v. Trong số 13 nhóm học sinh, sinh viên tham gia chương trình, 6 nhóm đang triển khai ý tưởng về lĩnh vực xây dựng, 3 nhóm về lĩnh vực công nghiệp và 4 nhóm về lĩnh vực giao thông vận tải. Các nhóm học sinh, sinh viên đến từ 19 trường đại học và 1 trường trung học trên khắp Việt Nam, mang đến các ý tưởng sáng tạo về giải pháp hiệu quả năng lượng.

Ông Nguyễn Bách Việt - CEO của VEEP là 1 trong 14 doanh nghiệp khởi nghiệp, lên nhận giải (người thứ 3 từ trái đếm qua)

Ngoài ra, chương trình tăng tốc còn bao gồm hoạt động tham gia sự kiện gọi vốn quốc tế đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, và chuyến thực địa trong nước đối với các nhóm học sinh, sinh viên. Kết thúc chương trình đào tạo, Ngày hội kết nối khởi nghiệp (Demo Day) sẽ được tổ chức vào năm 2025, tạo không gian cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhóm học sinh, sinh viên trình bày về giải pháp, sản phẩm với các nhà đầu tư và đồng thời cạnh tranh cho giải thưởng của chương trình. Tổng giải thưởng cho 3 doanh nghiệp khởi nghiệp và 3 nhóm học sinh, sinh viên xuất sắc nhất lần lượt là 35.000 USD và 10.000 USD.


Đây là chương trình tăng tốc khởi nghiệp về hiệu quả năng lượng đầu tiên tại Việt Nam, dành riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhóm học sinh, sinh viên. Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng” (AIS4EE) thuộc Chương trình Chuyển dịch năng lượng bền vững Việt Nam – EU (SETP*) do Liên minh châu Âu tài trợ cho Bộ Công Thương. Dự án AIS4EE được đồng tài trợ và thực hiện bởi Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI). Các hoạt động của chương trình tăng tốc khởi nghiệp do quỹ đầu tư Touchstone Partners thực hiện.


Thông qua việc thúc đẩy đầu tư, chương trình tăng tốc khởi nghiệp sẽ đóng góp vào mục tiêu chung của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3) do Bộ Công Thương đang triển khai, với mục tiêu phấn đấu đạt mức tiết kiệm từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030 và đóng góp vào việc thực hiện cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam.

Tìm hiểu thêm thông tin về chương trình khởi nghiệp thuộc dự án AIS4EE và các doanh nghiệp, nhóm học sinh, sinh viên tham gia tại: https://rebrand.ly/AIS4EEcohort


*Về SETP: Liên minh châu Âu (EU) và Chính phủ Việt Nam đang hợp tác thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam. Để đạt mục tiêu đó, EU và Chính phủ Việt Nam đã ký kết Chương trình Chuyển dịch Năng lượng Bền vững Việt Nam – EU (SETP) vào ngày 31 tháng 12 năm 2021. Chương trình hợp tác này tái khẳng định sự hợp tác chặt chẽ và cam kết lâu dài của EU nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển dịch năng lượng sạch để đạt được mục tiêu quốc gia về phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Chương trình SETP với ngân sách 142 triệu EUR từ Liên minh châu Âu được thực hiện từ năm 2022 tới 2027. Chương trình SETP tiếp nối sự thành công của Chương trình Hỗ trợ Chính sách ngành Năng lượng Việt Nam – EU trị giá 108 triệu EUR do EU tài trợ cho Việt Nam đã được triển khai trong giai đoạn 2018-2021.


2 lượt xem
bottom of page